Ung thư nguy hiểm như thế nào? Một số yếu tố làm tăng mắc ung thư

Ung thư là một nhóm các bệnh liên quan đến việc tăng sinh tế bào một cách mất kiểm soát và những tế bào đó có khả năng xâm lấn những mô khác bằng cách phát triển trực tiếp vào mô lân cận hoặc di chuyển đến những bộ phận khác trong cơ thể (di căn).

Không phải tất cả các khối u đều là ung thư, có một số khối u thuộc vào nhóm lành tính, tức là khối u không xâm lấn các bộ phận khác của cơ thể. Một số dấu hiệu và triệu chứng của khối u ác tính bao gồm chảy máu bất thường, ho kéo dài không rõ nguyên nhân, sụt cân và những bất thường trong đại tiểu tiện.Mặc dù các triệu chứng này có thể là dấu hiệu của ung thư, chúng cũng có thể có các nguyên nhân khác. Hiện nay có khoảng hơn 100 loại ung thư ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

Nguyên nhân gây ung thư

Nguyên nhân chính xác gây các bệnh ung thư hầu hết chưa được xác định, tuy nhiên các nhà khoa học đã tìm ra mối liên hệ đặc biệt giữa ung thư và các thay đổi gen trong tế bào. Gen có mặt trong mỗi tế bào cơ thể người, là hệ thống điều khiển hoạt động, điều hòa sự phát triển và phân chia tế bào. Gen bị đột biến ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng tế bào, thường khiến tế bào bị phát triển quá mức.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới đột biến gen như:

1. Yếu tố di truyền

ADN của một người được thừa hưởng 1 nửa từ bố và 1 nửa từ mẹ, vì thế có khả năng bạn thừa hưởng gen đột biến này. Không phải tất cả các trường hợp có gen đột biến đều bị ung thư, tuy nhiên yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Thực tế đột biến gen di truyền chiếm tỉ lệ nhỏ gây bệnh ung thư.

2. Yếu tố tác động

Hầu hết đột biến gen gây ung thư xảy ra do tác động từ môi trường, các tác nhân gây ra thường là: tiếp xúc với hóa chất gây ung thư, virus, chất phóng xạ, kích thích tố, tổn thương viêm mạn tính,… Đây là nguyên nhân chính gây ung thư và khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến hiện nay.

Tế bào mang gen đột biến tăng trưởng và phân chia bất thường, không kiểm soát được và thường tụ hợp thành khối u. Thay vì chết đi theo quy trình phát triển bình thường của tế bào, tế bào chứa gen đột biến phát triển và tích lũy liên tục cho đến khi hình thành ung thư.

Chẩn đoán và điều trị ung thư

Những năm qua, ngành Y học không ngừng phát triển, nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp điều trị giúp con người chống lại căn bệnh ung thư. Tuy nhiên cuộc chiến chống lại căn bệnh này còn nhiều khó khăn, ung thư cũng ngày càng diễn tiến phức tạp, khó điều trị.

1. Chẩn đoán ung thư

Chẩn đoán ung thư càng sớm càng giúp việc điều trị đạt hiệu quả, nhất là trong giai đoạn đầu của bệnh, khi khối u ung thư đang phát triển tại cơ quan nguyên phát. Các loại ung thư phổ biến hiện nay (ung thư trực tràng, ung thư vú, tinh hoàn,…) thường phát hiện được qua tầm soát định kỳ hoặc kiểm tra y tế trước khi triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng.

Hầu hết trường hợp ung thư ở Việt Nam được phát hiện và chẩn đoán khi có khối u hình thành cùng triệu chứng bệnh phát triển. Chỉ có số ít bệnh nhân phát hiện ung thư qua sàng lọc hoặc chẩn đoán tình cờ khi khám và điều trị tình trạng sức khỏe khác.

Chẩn đoán ung thư thường bắt đầu bằng kiểm tra sức khỏe và tình trạng bệnh sử. Các xét nghiệm máu cho phép phát hiện sự thay đổi của các chất chỉ điểm ung thư. Các kĩ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp CT hay chụp cộng hưởng từ MRI cho phép phát hiện khối u ung thư cũng như các đặc điểm về vị trí, kích thước, mức độ lan rộng,…

Một số trường hợp phát hiện và chẩn đoán khối u ung thư qua kiểm tra nội soi như: nội soi dạ dày, trực tràng, nội soi vòm họng. Để chẩn đoán chính xác ung thư, sinh thiết tế bào bất thường (thường chọn là tế bào, mô khối u) có vai trò quyết định.

Ngoài ra, các xét nghiệm ung thư khác có thể được thực hiện nhằm đánh giá tổng quát, đầy đủ tình trạng bệnh ung thư. Điều quan trọng là cần chẩn đoán chính xác, chi tiết mức độ phát triển của ung thư và di căn, từ đó bác sĩ mới xây dựng liệu trình điều trị hiệu quả nhất.

2. Điều trị ung thư

Dựa trên kết quả chẩn đoán, tùy theo loại ung thư và giai đoạn, mức độ bệnh cùng với xem xét sức khỏe tổng thể, yêu cầu điều trị bệnh,… bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị độc lập hoặc kết hợp để đem lại kết quả cao nhất.

Các phương pháp điều trị ung thư truyền thống là Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, ngoài ra còn các phương pháp mới như liệu pháp miễn dịch, liệu pháp hormone,…

- Phẫu thuật: Loại bỏ tế bào ung thư, thường cắt một phần hoặc toàn bộ khối u ung thư, có thể bao gồm cả tế bào khỏe mạnh.

- hóa trị: Dùng thuốc đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư nhanh chóng.

- Xạ trị: Dùng các chùm tia bức xạ mạnh để tiêu diệt tế bào ung thư, bao gồm cận xạ trị và xạ trị bên ngoài.

- Liệu pháp miễn dịch: Bổ sung kháng thể để tăng cường miễn dịch tự nhiên trong cơ thể, từ đó tiêu diệt tế bào ung thư.

- Cấy ghép tế bào gốc: phương pháp điều trị riêng cho ung thư xương, tủy xương được thay thế cho phép bác sĩ dùng liều hóa trị cao hơn.

- Liệu pháp hormone: Loại bỏ hoặc ngăn chặn hormone cấp năng lượng cho u ung thư, ngăn chặn bệnh phát triển.

- Điều trị bằng thuốc: Dùng thuốc với hoạt chất đặc biệt can thiệp vào phần tử để ngăn ngừa ung thư phát triển và tồn tại.