Bệnh nấm đen nguy hiểm như thế nào ? Một số biện pháp phòng tránh

Bệnh nấm đen còn gọi Mucomycosis (trước đây gọi Zygomycosis) là bệnh nhiễm trùng xâm lấn được đặc trưng bởi nhồi máu và hoại tử mô, tổn thương thường có màu đen.

Bệnh nấm đen lây truyền như thế nào ?

Bào tử vi nấm có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, qua tổn thương ở da, qua đường tiêu hóa và trở thành tác nhân gây bệnh. Không tìm thấy bằng chứng lây lan giữa người và người

Một số biểu hiện bệnh lý của bệnh nấm đen

+ Nhiễm trùng xoang và não: Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận. Các dấu hiệu của dạng bệnh này như sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.

Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân bị nhiễm nấm đen gây nhiễm trùng toàn bộ vùng xoang và mắt được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC.

+ Viêm phổi với các dấu hiệu: Khó thở hoặc thở gấp; tức ngực; sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu.

Nhiễm nấm hiếm có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận cơ thể khác nhau bao gồm da, tế bào máu, thận và phổi.
Nhiễm nấm hiếm có thể ảnh hưởng đến một số bộ phận cơ thể khác nhau bao gồm da, tế bào máu, thận và phổi.

+ Nhiễm trùng da và niêm mạc: Thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu như đau vùng mặt sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da, rồi xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi, lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử.

+ Nhiễm trùng đường tiêu hoá: Thường ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới 1 tháng tuổi với các dấu hiệu buồn nôn và nôn, đau bụng hoặc đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.

+ Nhiễm nấm đen mucormycosis lan tỏa: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh mạn tính. Do vậy, các dấu hiệu bệnh khó phân biệt với các bệnh đang có sẵn. Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương gây tình trạng hôn mê hoặc rối loạn ý thức.

Phòng bệnh nấm đen

Hiện nay vẫn chưa có thuốc hay vacine chủng ngừa để ngăn chặn bệnh nấm đen, nên để phòng bệnh, đặc biệt ở những bệnh nhân bệnh nền đái tháo đường, ung thư, suy giảm miễn dịch, hậu COVID-19, bác sĩ khuyên chúng ta cần chú ý:

- Tránh đến khu vực nhiều khói bụi, công trường. Đeo khẩu trang hiệu suất lọc trên 95% có than hoạt tính khi phải đến khu vực nhiều khói bụi.

- Tránh các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với bụi hoặc đất. Mang găng tay, ủng nếu thực hiện bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đất.

- Vệ sinh vùng da bị thương bằng nước ấm và dung dịch sát khuẩn để tránh nhiễm trùng da.

- Nếu bạn đã cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép nội tạng, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn để được dùng thuốc kháng nấm để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng do nấm.

- Tại các bệnh viện, các cơ sở y tế lưu ý: Khử trùng các thiết bị được sử dụng bởi nhiều bệnh nhân (ống khí quản, máy thở, mặt nạ phun khí dung…); hệ thống thông gió; xử lý vết thương đúng cách…

- Điều trị và kiểm soát tốt bệnh nền. Khi xuất hiện triệu chứng nghi ngờ nhiễm nấm đen cần đến các cơ sở chuyên khoa để khám và phát hiện, điều trị thuốc chống nấm sớm, đúng phác đồ để hạn chế tỷ lệ tử vong